Doanh nghiệp khó làm ăn khi thông tư 'to' hơn luật

Doanh nghiệp khó làm ăn khi thông tư 'to' hơn luật

Doanh nghiệp khó làm ăn khi thông tư 'to' hơn luật Đại diện doanh nghiệp và giới luật sư cho rằng cơ chế kiểm soát tính hợp lý và hợp pháp của văn bản tại cấp Bộ còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ cài cắm lợi ích nhóm, gây khó cho hoạt động kinh doanh.
  • Loay hoay cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện / Doanh nghiệp ngày càng nặng gánh thủ tục

Tại hội thảo Vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 13/8, quan điểm trên nhận được đồng tình cao từ các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá, nếu quá trình xây dựng văn bản đảm bảo được hai tiêu chí dân chủ và minh bạch thì pháp luật Việt Nam đã không đến nỗi "đứng đầu thế giới về độ phức tạp" như Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận trước Quốc hội.

111-3659-1407921377.jpg

Các luật sư và doanh nghiệp cho rằng Thông tư là nơi trực tiếp hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp nhiều nhất Ảnh: Chí Hiếu

Sự phức tạp này, theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban tư vấn, phản biện chính sách của Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp là do hệ thống có quá nhiều cấp độ pháp lý. Về lý thuyết, luật có cấp độ cao hơn nghị định, thông tư. Tuy nhiên, vị này cho rằng thực tế lại có phần ngược lại, khi thông tư thường là văn bản "to" nhất vì nó trực tiếp hạn chế quyền của doanh nghiệp và người dân.

"Cần hạn chế ban hành thông tư và văn bản hướng dẫn thi hành. Phải tránh tối đa ủy quyền cho các bộ trong điều kiện chưa có cơ chế kiểm soát loại hình này, như chính Bộ Tư pháp thừa nhận", ông Tiền nhấn mạnh. Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, trường hợp bắt buộc phải có thông tư, nên giao cho Bộ Tư pháp soạn thảo.

Đồng tình với những quan điểm này, luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng các văn bản được ban hành ở cấp này là nơi dễ cài cắm lợi ích nhóm nhất. Từng là Trưởng ban Pháp chế của VCCI, ông Huỳnh nhìn nhận "Chuyện làm luật đạt được hai tiêu chí là minh bạch và dân chủ thì mới không sợ nhóm lợi ích chi phối từ trong bong tối", ông nói.

Tuy nhiên, vị này thừa nhận đây là việc không dễ trong bối cảnh tính chuyên nghiệp của bộ máy còn có vấn đề. Ông Huỳnh dẫn chứng: "Trong cuộc họp hội đồng nhân dân tỉnh mà đại biểu một tay chơi game, tay kia biểu quyết thì không hiểu ông ta đại diện cho ai ?".

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử khẳng định, với quy trình hiện nay, nhiều cơ quan hành chính rất giỏi... "tạo ra dân chủ" khi cần phải xin ý kiến. "Ví dụ khi dự thảo lần đầu thì nói cần được góp ý kiến nhưng đến khi văn bản được ban hành thì không thấy bóng dáng ý kiến của doanh nghiệp hay hiệp hội ở đâu", ông Hưng dẫn chứng.

Bức xúc là vậy nhưng khi một đại biểu hỏi lại quá trình tiếp thu ý kiến ngày ông Hưng chủ trì xây dựng Luật Thương mại điện tử khi còn đương chức Cục trưởng thì vị này tỏ ra ấp úng. "Đóng vai nào thì phải hoàn thành trách nhiệm vai ấy", vị này dịu giọng.

Từng làm trưởng phòng Pháp chế thuộc Bộ Công thương, ông Ngô Việt Hòa, nay là Giám đốc Công ty luật Russin Vechi thừa nhận doanh nghiệp có tâm lý chán góp ý vì không được tiếp thu. Thông tin chỉ 20% doanh nghiệp phản hồi trong số 1.000 phiếu khảo sát mà VCCI thực hiện được Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn công bố tại hội thảo phần nào nói lên tâm lý ngại ngần ấy.

Theo ông Tuấn, thực tế thì doanh nghiệp biết đến quy định pháp luật nhiều hơn nhờ công việc bị cơ quan quản lý "ách" lại hơn là qua tham gia góp ý vào quy trình xây dựng văn bản pháp luật.

Chí Hiếu

, ,

Previous
Next Post »